Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong hoạt động hòa giải

2020-07-13 15:49:00.0

 

Ngày 13/7, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm đánh giá kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, vai trò của công tác dân vận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở. Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam; đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư TW Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Sở Tư pháp; Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo Ban Dân vận các huyện ủy, thành ủy, thị ủy, phòng Tư pháp cấp huyện và các tổ hòa giải ở cơ sở.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động hòa giải và vai trò của công tác dân vận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở. Mỗi cơ quan đều có chức năng nhiệm vụ riêng và dù hoạt động hòa giải được mỗi ngành triển khai thực hiện theo phương thức khác nhau, nhưng xét cho cùng bản chất vẫn là công tác dân vận; hòa giải và dân vận có mối liên hệ mật thiết với nhau, dân vận tốt thì hòa giải tốt. Đồng chí đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đưa ra những ví dụ điển hình từ thực tiễn hoạt động hòa giải tại cơ sở ở các địa phương, từ đó xây dựng những cách làm hay, sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong hoạt động hòa giải tại cơ sở, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và cả nước.

Báo cáo kết quả công tác hòa giải ở cơ sở của Bộ Tư pháp trình bày tại hội nghị cho thấy, sau 6 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở được hình thành đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; đội ngũ hòa hòa giải viên được củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng. Tính đến ngày 31/12/2019 cả nước có trên 96.600 tổ hòa giải với trên 600 nghìn hòa giải viên. Kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở được nâng lên, kết quả hoạt động của các tổ hòa giải đạt hiệu quả cao. Trong 5 năm 2014-2019, các tổ hòa giải đã tiến hành hòa giải trên 875.000 vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật, trong đó hòa giải thành trên 700 nghìn vụ việc, đạt tỷ lệ 80,9%. Vai trò của MTTQ các cấp, các tổ chức thành viên và Tòa án nhân dân 2 cấp trong hoạt động hòa giải được quan tâm, tăng cường. Tuy nhiên, công tác hòa giải tại cơ sở vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: một số quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở không còn phù hợp với thực tiễn; chất lượng đội ngũ hòa giải viên chưa đồng đều, nhiều địa phương chưa bố trí đủ nguồn lực đảm bảo hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, hội nghị xác định 5 nhóm giải pháp trọng tâm để nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở, tập trung nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách; tăng cường đổi mới cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và đa dạng hóa nguồn lực xã hội trong công tác hòa giải ở cơ sở; đồng thời tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022.”

Nguồn: thainguyen.gov.vn

Thanh Mai



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 208070