Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Giới thiệu lễ hội đền Tăng xã Phú Lạc

2023-05-02 18:46:00.0

Phú Lạc là một xã trung du miền núi nằm ở phía Bắc của huyện Đại Từ, cách trung tâm huyện 13km. Phía Bắc và Đông Bắc giáp các xã Đức Lương, Phúc Lương và xã Động Đạt (huyện Phú Lương); phía Nam giáp xã Bản Ngoại; phía Đông giáp xã Tân Linh và Phục Linh; phía Tây giáp xã Phú Cường và Phú Thịnh. Tổng diện tích đất tự nhiên là 2.063,91 ha, xã gồm 18 xóm, trên 7 vạn dân.

 Xã Phú Lạc có 5 dân tộc anh em cùng chung sống với các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Vì thế, đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân các dân tộc xã Phú Lạc rất phong phú, đa dạng. Các dân tộc sinh sống trên địa bàn xã đều có phong tục tập quán và sinh hoạt văn hóa riêng. Người Kinh có hát chèo, dân tộc Tày, Nùng có hát then,… Mặc dù có những phong tục tập quán khác nhau song đồng bào đều có truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái giúp đỡ nhau trong sản xuất và và sinh hoạt xã hội, nhất là trong ma chay, cưới xin, làm nhà,…

Trên địa bàn xã trước đây có nhiều lễ hội được tổ chức vào mùa xuân như lễ hội đền Tăng, dâng hương tưởng nhớ công ơn các anh hùng dân tộc, cầu mong mọi sự bình an cho xóm, làng; lễ hội lồng tồng (xuống đồng) là lễ hội cầu mùa của đồng bào Tày, Nùng cầu mong các vị thần linh phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng phong đăng hòa cốc. Trong các lễ hội được tổ chức trên địa bàn xã, lễ hội đền Tăng là tiêu biểu nhất, thu hút được đông đảo Nhân dân trong vùng tham gia.

Lễ hội đền Tăng được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng hàng năm tại đền, Tăng, xóm Na Thức, xã Phú Lạc. Đền Tăng thờ tướng quân Dương Tự Minh - người có công lớn trong cuộc đấu tranh chống quân xâm lược nhà Lý.

Tương truyền, Dương Tự Minh là một thủ lĩnh người Tày ở Phú Lương, ông đã có công lớn trong suốt thời kỳ đánh đuổi quân xâm lược nhà Tống ở vùng biên giới phía Bắc. Ông được vua Lý hai lần gả công chúa và giao trọng trách làm thủ lĩnh trị quản Phú Lương gồm các tỉnh Bắc Thái, Cao Bằng, Hà Tuyên, Lạng Sơn và một phần Vĩnh Phúc ngày nay. Khi rời bỏ nhiệm vụ thủ lĩnh, Dương Tự Minh trở về sống với vợ (hai nàng công chúa Thiều Dung và Diêm Bình) tại gò đền Na Thức.

Sau khi  ông qua đời, Nhân dân Na Thức dựng đền thờ tại gò đồi để tưởng nhớ người anh hùng Dương Tự Minh. Đền được xây dựng ở vị trí giữa đồi, xung quanh là cánh đồng màu mỡ, đứng trên gò đồi có thể nhìn ra bốn hướng. Mặt chính diện của ngôi đền quay về hướng Nam, qua cánh đồng nhìn thẳng vào núi Vuốt nơi có thắng cảnh Hồ Núi Cốc.

Đến thế kỷ XVIII (năm 1788), vua Quang Trung tiến quân ra Bắc dẹp bọn phản loạn Lê Chiêu Thống. Em Lê Chiêu Thống là Lê Duy Chỉ cùng một số tù trưởng chiếm giữ Định Châu (Thái Nguyên). Quân Tây Sơn do đô đốc Nguyên Bảo và Ngô Văn Sở trên đường hành quân đến đóng quân tại gò đền Na Thức. Khi quân Tây Sơn rút đi, để ghi công người anh hùng áo vải Tây Sơn, Nhân dân Na Thức đã khắc tên tuổi vùa Quang Trung và đô đốc Nguyên Bảo vào bia đá. Từ đó, đền Na Thức thờ tướng quân Dương Tự Minh và vua Quang Trung.

Lễ hội đền Tăng có từ lâu đời, trong lễ hội trước đây thường diễn ra các cuộc hát giao duyên giữa nam nữ thanh niên, lôi cuốn nhiều người tham gia, không ít người đã lên duyên vợ chồng sau mỗi dịp vui hội xuân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của các cuộc chiến tranh, đền Tăng bị phá hủy, lễ hội cũng bị gián đoạn. Đến năm 1994, đền Tăng được tôn tạo lại trên vị trí nền đền cũ, lễ hội cũng được phục dựng lại để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của Nhân dân. Năm 2006, đền Tăng được công nhận di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 2505/QĐ-UBND ngày 08/11/2006 của UBND tỉnh Thái Nguyên.

Cũng như những lễ hội truyền thống khác, lễ hội đền Tăng được chia làm hai phần: phần lễ và phần hội. Từ sáng ngày 11 tháng Giêng, dân làng Na Thức đã tập trung quét dọn đền, chuẩn bị lễ để cáo thần (cáo lễ). Nhà được chọn làm lễ phải là nhà sống đức độ với bà con làng xóm, con cháu mẫu mực, thảo hiền và đặc biệt là không có tang. Phần lễ mặn được chuẩn bị gồm 1 cái thủ lợn, 1 con gà trống thiến và 1 mâm sôi. Sôi được nấu từ gạo nếp cái, thơm, ngon, dẻo được chọn lựa cẩn thận từ những ruộng lúa nếp chín vàng của cánh đồng Na Thức. Sáng ngày 12 tháng Giêng bước vào ngày hội chính, từ sáng sớm các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và đông đảo Nhân dân trên địa bàn xã tề tựu đông đủ, dâng hương tưởng nhớ tướng Dương Tự Minh và vua Quang Trung. Sau phần lễ là phần hội sôi nổi với các tiết mục văn nghệ với chủ đề ca ngợi Đảng, ca ngợi quê hương đất nước và các trò chơi dân gian như ném còn, bịt mắt bắt vịt, kéo co, đẩy gậy,…. 

Lễ hội đền Tăng là một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân xã Phú Lạc nói riêng và huyện Đại Từ nói chung. Nó không chỉ mang ý nghĩa, giá trị về văn hóa, tín ngưỡng mà còn mang tính chính trị sâu sắc, góp phần tăng tinh thần đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.


UBND xã Phú Lạc

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 210276