Kỹ năng xử lý và phòng tránh lừa đảo trên không gian mạng.
2024-11-21 17:19:00.0
Kỹ năng xử lý là những kiến thức cơ bản và cần thiết giúp mọi đối tượng trên không gian mạng bình tĩnh xử lý tình huống khi gặp phải trường hợp lừa đảo trực tuyến. Kỹ năng phòng tránh lừa đảo trực tuyến cung cấp các kiến thức cần thiết để bảo vệ bản thân khỏi những rủi ro trên internet. Khi người dùng phát hiện bản thân đã trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo trực tuyến, bị chiếm đoạt thông tin cá nhân hoặc tài sản, việc áp dụng những kỹ năng xử lý nhanh gọn và chính xác là rất quan trọng. Việc phản ứng nhanh chóng và đúng cách cả trước, trong và sau khi bị lừa đảo có thể giúp giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ người dùng khỏi những rủi ro tiếp theo.
Kỹ năng xử lý khi gặp lừa đảo trực tuyến
Xử lý khi gặp lừa đảo trực tuyến
Khi gặp lừa đảo trực tuyến, các cá nhân cần chủ động chặn các tin nhắn cuộc gọi: Khi được tiếp cận bởi các tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân nên chủ động ngắt liên lạc, chặn tin nhắn.
Báo cáo các tin nhắn, cuộc gọi: Chặn và báo cáo các tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo trên các nền tảng mạng xã hội. Đối với các cuộc gọi điện, lưu lại số điện thoại của các đối tượng và trình báo với cơ quan công an nhằm kiểm tra và bắt giữ.
Tìm kiếm thông tin trên mạng: Tìm kiếm các phương thức, thông tin liên quan tới hành vi lừa đảo, rất có thể hành vi đó đã được báo cáo và đăng tải bởi các cơ quan truyền thông hoặc nạn nhân khác. Gửi cảnh báo về Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam tại địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn.
Xử lý sau khi bị lừa đảo trực tuyến
Trường hợp bị dẫn dụ chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo: Không ít trường hợp nạn nhân nhẹ dạ cả tin, làm theo lời dẫn dụ của đối tượng lừa đảo và tự chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng này. Trong trường hợp gặp phải tình huống tương tự, nạn nhân cần phải: dừng chuyển tiền, tuyệt đối không tiếp tục làm theo lời dẫn dụ của đối tượng lừa đảo; liên hệ ngay lập tức với ngân hàng và tổ chức tài chính để báo cáo lừa đảo và yêu cầu họ dừng mọi giao dịch; sao lưu lịch sử giao tiếp, giao dịch: nhanh chóng lưu lại các đoạn hội thoại với đối tượng lừa đảo, lịch sử giao dịch chuyển khoản nhằm phục vụ cho quá trình điều tra và truy vết đối tượng; trình báo lừa đảo: trình báo vụ việc lừa đảo trực tuyến với các cơ quan chức năng như lực lượng công an địa phương; cảnh báo cho gia đình và bạn bè về trường hợp lừa đảo này để họ có thể đề phòng những chiêu trò tiếp theo có thể xảy ra.
Trường hợp bị mất các thông tin đăng nhập, chiếm quyền điều khiển thiết bị: Trong trường hợp các đối tượng lừa đảo có thông tin đăng nhập tài khoản hay chiếm được quyền điều khiển thiết bị và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, người dùng cần:
Liên hệ với ngân hàng hoặc các đơn vị tài chính: Trong trường hợp thông tin tài chính bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt, liên hệ ngay với ngân hàng hoặc các đơn vị tài chính để thông báo về sự cố và khóa tài khoản. Điều này sẽ giúp ngăn chặn các đối tượng thực hiện giao dịch trái phép.
Thay đổi toàn bộ mật khẩu: tạo mật khẩu có độ khó cao, trên 12 ký tự (bao gồm chữ số chữ hoa, chữ thường và các ký tự đặc biệt), đồng thời bật tính năng bảo mật hai bước trên các nền tảng trực tuyến đang sử dụng.
Kiểm tra thiết bị và hệ thống: Sử dụng phần mềm diệt virus và các công cụ bảo mật khác để quét thiết bị nhằm phát hiện và loại bỏ phần mềm độc hại.
Cài đặt lại hệ thống thiết bị: Trong trường hợp nhận thấy thiết bị có dấu hiệu bị xâm nhập, người dân nên đặt lại dữ liệu, đưa thiết bị về trạng thái nguyên bản nhằm loại bỏ các phần mềm độc hại, ngăn không cho đối tượng thực hiện hành truy cập vào các tài khoản trực tuyến.
Trình báo lừa đảo: Trình báo vụ việc lừa đảo trực tuyến với các cơ quan chức năng như lực lượng công an địa phương.
Giám sát tài khoản và tín dụng: Theo dõi tài khoản ngân hàng và báo cáo tín dụng để phát hiện các hoạt động bất thường hoặc trái phép.
Gửi cảnh báo về trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam tại địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn.
Học hỏi từ kinh nghiệm: Xem xét lại cách thức lừa đảo nhằm phòng tránh các tình huống tương tự trong tương lai. Theo dõi kênh thông tin Cổng không gian mạng quốc gia trên Facebook, TikTok để cập nhật các tin tức an toàn thông tin, đặc biệt là lừa đảo trực tuyến.
Kỹ năng phòng tránh lừa đảo trực tuyến
Kỹ năng phòng tránh cơ bản
Việc nâng cao nhận thức, luôn cảnh giác trước những bất thường khi tham gia không gian mạng là những kỹ năng cơ bản giúp hạn chế tối đa rủi ro không đáng có. Để phòng tránh lừa đảo trực tuyến, người dùng cần:
Kiểm tra nguồn gốc thông tin: Xác định xem thông tin đến từ nguồn đáng tin cậy hay không. Kiểm tra tên miền và đường dẫn URL của trang web. Hãy chú ý đến các tên miền khác thường, có lỗi chính tả hoặc không có các chứng chỉ tín nhiệm mạng.
Cảnh giác với người lạ kết bạn qua mạng xã hội, qua Zalo, Telegram… Khi có dấu hiệu khả nghi ngay lập tức không kết bạn và không trả lời. Ngoài ra ẩn đi danh sách bạn bè của mình trên các tài khoản mạng xã hội để tránh bị đối tượng lừa đảo biết đến các mối quan hệ xung quanh của mình.
Cảnh giác với email và tin nhắn lạ: Các email hoặc tin nhắn lừa đảo thường giả mạo các tổ chức uy tín (như ngân hàng, đơn vị nhà nước hoặc công ty công nghệ). Kiểm tra kỹ địa chỉ email người gửi, so sánh đối chiếu với địa chỉ email được ghi trên các cổng thông tin chính thống. Thông thường, các địa chỉ email giả mạo sẽ bao gồm các ký tự thừa, tên miền không chính xác.
Cẩn thận với các yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài chính: Không chia sẻ thông tin cá nhân hoặc tài chính qua email hoặc tin nhắn cho các đối tượng lạ. Ngoài các đơn vị ngân hàng, các tổ chức hoặc doanh nghiệp uy tín sẽ không yêu cầu cung cấp dữ liệu cá nhân.
Cảnh giác với những yêu cầu đặt cọc hoặc chuyển khoản trước: Tuyệt đối không chuyển tiền cho các đối tượng lạ trong mọi trường hợp. Đối với các giao dịch trực tiếp, người dân được khuyến cáo nên thực hiện trực tiếp hoặc thông qua cá nhân hoặc tổ chức trung gian uy tín.
Tìm hiểu thêm về các hình thức lừa đảo phổ biến: Các loại hình lừa đảo qua mạng như lừa đảo qua email, tin nhắn, mạo danh và lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã được phổ biến rất nhiều trên mạng. Hiểu biết về các phương thức này sẽ giúp dễ dàng nhận diện và phòng tránh hậu quả không đáng có. Theo dõi và cập nhật tại kênh thông tin Cổng không gian mạng quốc gia (Facebook/TikTok) hoặc website Khonggianmang.vn.
Kỹ năng phòng tránh nâng cao
Bên cạnh việc nâng cao nhận thức, người dùng cũng cần những kỹ năng nâng cao giúp phòng tránh lừa đảo trực tuyến một cách hiệu quả nhất, bao gồm:
Bảo vệ thông tin cá nhân: Tránh chia sẻ quá nhiều thông tin, hình ảnh cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội. Ẩn hết các thông tin cá nhân như địa chỉ, ngày tháng năm sinh, số điện thoại…). Khi đăng gì lên mạng xã hội nên cân nhắc kỹ và nên chia sẻ ở chế độ bạn bè./.
Sử dụng mật khẩu dài và phức tạp: Đảm bảo mỗi tài khoản trực tuyến sở hữu mật khẩu mạnh, bao gồm chữ hoa, chữ thường, số và ký tự đặc biệt. Tránh sử dụng cùng một mật khẩu cho nhiều tài khoản.
Thiết lập xác thực đa yếu tố (2FA): Kích hoạt xác thực đa yếu tố đối với các tài khoản trực tuyến. Điều này đồng nghĩa với việc bổ sung một lớp xác thực (thông qua tin nhắn, email hoặc cuộc gọi) ngoài mật khẩu nhằm gia tăng mức độ bảo mật cho tài khoản.
Cập nhật phần mềm bảo mật: Cài đặt và thường xuyên cập nhật các phần mềm diệt virus, tường lửa, và các công cụ bảo mật khác để bảo vệ thiết bị khỏi các phần mềm có chứa mã độc và các mối đe dọa khác.
Kiểm tra và giám sát tài khoản tài chính: Theo dõi kỹ các giao dịch trên tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng để phát hiện bất kỳ giao dịch nào không hợp lệ.
Sao lưu dữ liệu định kỳ: Sao lưu dữ liệu quan trọng thường xuyên để tránh mất dữ liệu trong trường hợp bị tấn công hoặc bị lừa đảo./.