Ngày 26/4/1975 - Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử chính thức bắt đầu.
2025-04-26 14:24:00.0
17 giờ ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn. Chiến dịch Hồ Chí Minh( Tên gọi "Chiến dịch Hồ Chí Minh" được đặt ngày 14/4/1975, tức trước khi nổ súng 12 ngày, theo quyết định của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam - Là để vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu, người đã cống hiến cả đời cho độc lập dân tộc. Thể hiện ý chí sắt đá: hoàn thành di chúc của Bác, thống nhất đất nước, đưa miền Nam về với miền Bắc. Là một biểu tượng khơi dậy niềm tin, tinh thần tổng tiến công, tạo khí thế mãnh liệt cho toàn quân, toàn dân) – đòn quyết định cuối cùng – chính thức được phát lệnh tiến công. Năm cánh quân chủ lực của ta đồng loạt tấn công vào các hướng trọng yếu bao vây Sài Gòn:
Tư lệnh Chiến dịch: Đại tướng Văn Tiến Dũng
Chính ủy: Phạm Hùng
Cả hai vị đều là những nhà chỉ huy lỗi lạc, dày dạn kinh nghiệm trận mạc, từng chỉ đạo nhiều chiến dịch lớn như: Điện Biên Phủ, Trị Thiên, Tây Nguyên, v.v.
Cánh quân phía Đông từ Xuân Lộc - Biên Hòa tiến vào Thủ Đức
Cánh quân phía Bắc từ Dầu Tiếng - Bến Cát đánh xuống Tân Cảng
Cánh quân phía Tây Bắc từ Củ Chi - Hóc Môn chọc thẳng vào nội đô
Cánh quân phía Tây và Tây Nam từ Đức Hòa - Cần Giuộc áp sát Phú Lâm
Cánh quân thứ năm từ Đồng bằng sông Cửu Long tiến lên hỗ trợ
Hướng đông do Quân đoàn 2 đảm nhiệm, mũi Sư đoàn 304, Trung đoàn 9 tiến công trường thiết giáp; Trung đoàn 24 tiến đánh trường bộ binh ở căn cứ Nước Trong. Tới 18 giờ 45 phút, Trung đoàn 9 chiếm được trường thiết giáp, địch co lại ở khu vực trường bộ binh và trường biệt kích, đồng thời điều thêm lực lượng từ Biên Hòa lên tổ chức phản kích.
17 giờ 35 phút, hướng Sư đoàn 325, Trung đoàn 46 nhanh chóng chiếm cầu Đông Hữu và vận động ra đánh chiếm Phước Thiềng; Trung đoàn 18 vây chặt và giải quyết gọn mục tiêu Bỉnh Sơn rồi làm dự bị cho Sư đoàn. Trung đoàn 101 tiến công quận lỵ Long Thành bước đầu thuận lợi. Sau đó địch trấn tĩnh chống trả quyết liệt.
Trung đoàn 101 tung lực lượng dự bị (Tiểu đoàn 2) vào chiến đấu, Trung đoàn 46 đánh vào Thái Lạc để hỗ trợ. Trung đoàn 84 pháo binh đánh kiềm chế các trận địa pháo địch. Các đơn vị cao xạ của Sư đoàn, Đại đội 12 tên lửa A.72 áp sát thị trấn đánh máy bay địch, bảo vệ đội hình tiến công của Trung đoàn 101. Quân địch vẫn ngoan cố kháng cự.
Một mũi của Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 101 và 2 xe tăng Lữ đoàn 203 đánh dọc Đường số 15 phát triển nhầm sang khu vực Nước Trong, nổ súng bắn cháy 2 xe tăng, tiêu diệt một số địch, tạo thuận lợi cho Trung đoàn 9 Sư đoàn 304 đang chiến đấu quyết liệt với địch ở đây. Phát hiện nhầm lẫn, chỉ huy Tiểu đoàn 3 lập tức cho bộ đội và xe tăng quay lại thị trấn Long Thành.
Hướng Sư đoàn 3 Quân khu 5, 19 giờ, Trung đoàn 141 bắt đầu tiến công vào thị xã Bà Rịa. Đại đội xe tăng 4 chở Đại đội 3 Tiểu đoàn 7 theo đường Lê Lợi tiến vào trung tâm thị xã. Sau những phút đầu hoảng loạn, địch bắt đầu chống trả.
Đêm 26/4/1975, Trung đoàn 141 giữ chắc các vị trí đã chiếm được, nhanh chóng đưa Tiểu đoàn 8 áp sát vào Vạn Kiếp, dùng Tiểu đoàn 5 đánh cắt giữa thị xã và căn cứ Vạn Kiếp, không cho địch co cụm.
20 giờ ngày 26/4/1975, Trung đoàn 12 Sư đoàn 3 đánh chiếm Đức Thạnh, Đất Đỏ, Long Điền, rồi cùng lực lượng địa phương xóa bỏ một loạt vị trí ven biển, tiến vào áp sát thị xã Bà Rịa và Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp.
Hướng đông nam do Quân đoàn 4 đảm nhiệm, hai trung đoàn 270 và 273 (Sư đoàn 341) được tăng cường 1 tiểu đoàn xe tăng, 1 tiểu đoàn pháo cao xạ hỗn hợp và hỏa lực chiến thuật cấp trung đoàn, tiểu đoàn, tiến công yếu khu Trảng Bom - mắt xích trọng yếu trên tuyến phòng ngự phía trước của đối phương. Nhiều trận chiến đấu dữ dội kéo dài hàng giờ giữa xe tăng, xe thiết giáp của ta và của địch.
Trong khi đó, Trung đoàn 266 tiến công khu vực phòng thủ của địch từ Hưng Nghĩa – ấp Bàu Cá, tiêu diệt lực lượng còn lại của Sư đoàn 18 và Trung đoàn 5 thiết giáp Việt Nam Cộng hòa. Cùng ngày, Sư đoàn 6 triển khai nam Lộ 4 tiến công Hố Nai. Lữ đoàn 52 làm dự bị ở ngã ba Dầu Giây.
Các lực lượng vùng ven trên hai hướng đông và đông nam, đồng loạt tổ chức đánh chiếm các cầu: Ghềnh, Rạch Chiếc, Rạch Cát. Địch phản kích chiếm lại, ta chuẩn bị đánh tiếp. Đoàn đặc công 116 đánh chiếm cầu xa lộ Đồng Nai, đánh bại lực lượng địch phản kích, giữ vững cầu..../.